Diệp lâm chi

Thừa Thiên – Huế: Cần tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, dự báo nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ có thêm 476.000m2 tổng diện tích sàn, tương ứng khoảng 9.980 căn hộ. Năm qua, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án nhà ở xã hội, trong đó 4 dự án đã hoàn thành và 4 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội được triển khai trên quỹ đất 20% thuộc Dự án nhà ở thương mại Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2.

Dự án nhà ở xã hội được triển khai trên quỹ đất 20% thuộc Dự án nhà ở thương mại Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 (thành phố Huế, Thừa Thiên – Huế) do Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana - Công ty Cổ phần Tập đoàn Telin và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản Cotana Capital làm chủ đầu tư. Dự án triển khai trên diện tích khoảng 3,5ha, đang tiến hành các thủ tục đầu tư giai đoạn 1, trên diện tích đất khoảng 1,48ha, với 4 block chung cư cao tầng, gồm 1 tầng hầm và 15 tầng nổi, với quy mô 723 căn hộ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Đại diện chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội tại Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Những block sẽ được đầu tư đồng bộ gồm: Khu sảnh tòa nhà, không gian sinh hoạt cộng đồng, bãi đổ xe… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cấp điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, sân đường giao thông nội bộ kết nối hoàn thiện trong và ngoài khu. Ngoài ra, chủ đầu tư sẽ bố trí các khu cây xanh nội khu, khu vui chơi trẻ em và người cao tuổi; đảm bảo khách hàng có một không gian sống tốt nhất. Hiện nay, chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục đầu tư để tiến hành thi công và dự kiến sẽ mở bán trong năm 2023.

Theo đại diện chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội tại Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2: Khó khăn lớn nhất, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trực tiếp xây dựng nhà ở xã hội ở phần quỹ đất 20% lại không được xem là dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Do đó, chủ đầu tư không được hưởng các ưu đãi của nhà ở xã hội. Hiện nay, chủ đầu tư không thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi dành cho dự án nhà ở xã hội vì không thuộc đối tượng được nhận ưu đãi. Điều này, dẫn đến khả năng thu xếp nguồn vốn cho thi công chậm hơn dự kiến, chi phí lãi vay cấu thành vào giá bán tăng cao, trong khi mức lợi nhuận khống chế trong giá bán nhà ở xã hội chỉ cho phép 10%.

“Những nhà đầu tư như chúng tôi rất mong muốn các dự thảo hiện đang được Quốc hội, Bộ Xây dựng lấy ý kiến nhanh chóng được ban hành và có các điều khoản chuyển tiếp thỏa đáng đối với các dự án nhà ở xã hội sắp sửa hoặc đang thi công xây dựng trong giai đoạn này” - đại diện chủ đầu tư đề xuất.

Theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, để được hỗ trợ lãi suất 2%/năm để phục vụ dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện hết sức khắt khe như: Dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã được giao đất, cho thuê đất và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được cấp phép xây dựng... Dự án phải được UBND cấp tỉnh lập danh mục gửi cho Bộ Xây dựng để tổng hợp, công bố danh mục dự án thì chủ đầu tư mới được cho vay. Quy định này làm chậm quá trình được vay vốn ưu đãi vốn chỉ có hiệu lực đến hết năm 2023.

Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với điều kiện vay rất chặt chẽ. Việc đăng ký vốn cho vay phải qua quá trình đăng ký xét duyệt, chờ đợi mới được giải ngân. Điều này, khiến đối tượng mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội không chủ động được trong việc thu xếp ngân sách tài chính. Chưa kể nếu không vay được nguồn vốn ưu đãi thì họ hoàn toàn không đủ khả năng tài chính để chi trả nếu vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất như hiện nay.

Như vậy, việc chủ đầu tư và khách hàng đều không tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi như một khó khăn kép đối với đầu tư nhà ở xã hội, khi mà chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với chi phí vốn bỏ ra cao hơn nhưng lại không tiếp cận được với khách hàng khi họ cũng không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Phương án giá bán phải thẩm định toàn bộ dự án trước khi mở bán và xét duyệt giá của toàn dự án trong 1 lần dẫn đến rất nhiều rủi ro cho chủ đầu tư. Dự án nhà ở xã hội có quy mô đầu tư lớn, thời gian thi công kéo dài thì việc trình phương án giá bán 1 lần và trước khi mở bán rất bất lợi cho chủ đầu tư.

Chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội tại Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn cơ quan chức năng có nhiều chính sách mở cửa, chính sách ưu đãi sẽ được ban hành sớm để hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội góp phần đẩy nhanh mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai.

Các tin khác

Tin nổi bật

Hình ảnh

Video

CONSTRUCTION
COTABIG
COTANA DESIGN
DECOR
ENE
GREEN
ICCBig
INFRACO
INVESTMENT
KING LAND